NGÂN HÀ - THE MILKY WAY
Đối với con người, Trái Đất quả là một quả bóng khổng lồ mà dù có cố gắng đến mấy ta cũng khó có thể khám phá toàn bộ hành tinh này, nhưng khi đặt vào góc nhìn vào Trái Đất, nó chỉ như hạt cát trong dải Ngân Hà bao la rộng lớn. Bài viết này sẽ giải đáp một số thắc mắc cũng như cung cấp những thông tin vô cùng hữu ích tới độc giả.
Nội dung chính
- Khái niệm và nguồn gốc
- Cấu trúc
- Mối liên hệ với hệ Mặt Trời
- Góc nhìn từ Trái Đất
Ngân Hà là gì? nguồn gốc từ đâu?
Ngân Hà, Sông Ngân (Milky Way) là thiên hà chứa mặt trời và những hành tinh khác thuộc hệ mặt trời như Sao Hỏa, Trái Đất, Sao Kim,… Ngân Hà xuất hiện trên bầu trời dưới dạng một dải sáng mờ kéo dài từ chòm sao Tiên Hậu ở phía Bắc đến chòm sao Nam Thập Tự ở phía Nam. Nơi sáng nhất của dải Ngân Hà là chòm sao Cung Thủ, đồng thời là trung tâm của dải Ngân Hà.
Truyền thuyết kể rằng vị thần Zeus bế con trai mình là Hercules cho bú trộm dòng sữa của nữ thần Hera để trở nên bất tử, tuy nhiên nữ hoàng chợt tỉnh giấc làm dòng sữa văng tung tóe lên bầu trời và từ đó cái tên gọi Milky Way được hình thành.
Toàn cảnh dải Ngân Hà
Ngân hà hình xoắn ốc? Thật hay giả?
Sự phân bố khối lượng bên trong cho thấy Ngân Hà thuộc loại Sbc theo phân loại Hubble với các cánh tay xoắn ốc bao quanh. Đến đầu thập niên 90 thế kỷ XX, các nhà thiên văn học mới đặt nghi vấn rằng liệu Ngân Hà có phải là một thiên hà xoắn ốc chặn ngang? Mãi đến năm 2005 thì giả thiết này mới chính thức được xác nhận bởi những quan sát thu được từ kính viễn vọng Spitzer Space Telescope.
Khung cảnh dải Ngân Hà, chụp tại Nevada, 2007
Mối liên hệ giữa Ngân Hà và hệ Mặt Trời
Hệ Mặt Trời nằm trong vùng định cư của dải Ngân Hà, thuộc rìa trong của nhánh Lạp Hộ, bên trong Đám mây liên tinh địa phương thuộc bong bóng địa phương.
Hệ Mặt Trời cách tâm này khoảng 26.000 – 28.000 năm ánh sáng. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về thanh chắn ngang Ngân Hà. Ước lượng một nửa chiều dài của nó trải dài từ Trái Đất đến tâm khoảng 1 – 5 kpc (3,000 – 16,000ly), hợp với đường nối tâm tới Trái Đất khoảng 10 – 50 độ.
Hình ảnh minh họa của Hệ Mặt Trời (bao gồm Mặt Trời, các thiên thể chuyển động xung quanh mặt trời, các đám bụi, khí)
Một năm thiên hà kéo dài 240 triệu năm, tương ứng một chu kỳ Mặt Trời trên quỹ đạo quanh Ngân Hà. Do đó Mặt Trời được cho là đã hoàn thành 18 – 20 vòng quỹ đạo trong suốt cuộc đời của nó và 1/1250 vòng kể từ khi xuất hiện loài người. Tốc độ quay quanh quỹ đạo Ngân Hà của hệ Mặt Trời vào khoảng 220km/s hay 0.073% tốc độ ánh sáng. Mặt Trời di chuyển qua nhật quyển khoảng 84.000km/h. Ở tốc độ này thì mất 1400 năm Mặt Trời mới di chuyển được khoảng cách 1 năm ánh sáng.
ĐẶT MẮT TẠI TRÁI ĐẤT, NGÂN HÀ TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Từ Trái Đất, dải Ngân Hà trông như một dải trắng bạc mờ ảo vắt ngang bầu trời, hay còn gọi là sông Ngân theo cách gọi của người Trung Quốc xưa. Tuy nhiên, ánh sáng quan sát được phần lớn bắt nguồn từ các ngôi sao phía xa, cùng với các vật chất nằm trong mặt phẳng thiên hà. Có một số vùng tối do ánh sáng từ các ngôi sao bị hấp thụ bởi bụi vũ trụ. Phần thiên hà nằm phía sau bị Ngân Hà che đi được gọi là Vùng Che Khuất. Hệ Mặt Trời nằm ở phần rìa của đĩa thiên hà, nên chúng ta không thể nhìn xuyên qua được tâm Ngân Hà để quan sát phía bên kia của nó. Thậm chí ta còn không thể quan sát được vùng tâm của Ngân Hà do mật độ bụi, khí gas và sao nơi đây.
Hình ảnh Dải Ngân Hà được quan sát từ Trái Đất
Một số hình ảnh minh họa cho Dải Ngân Hà
Dải Ngân Hà có độ sáng bề mặt tương đối thấp, do vậy muốn quan sát rõ được rõ ràng, bầu trời cần phải đạt đến một độ tối nhất định. Người ta chỉ ra rằng chỉ có hơn một nửa dân số có thể nhìn thấy dải Ngân Hà trên bầu trời đêm, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm ánh sáng. Ở những vùng đô thị, khó có thể thấy rõ Ngân Hà bằng mắt thường do cường độ ánh sáng khá cao. Tuy nhiên ở các vùng nông thôn rộng lớn, nơi mặt trăng có khi bị che khuất bởi đường chân trời, thì khung cảnh lại khá nổi bật.
Có khoảng 30 chòm sao quan sát được từ Trái Đất, mà trung tâm là chòm sao Cung Thủ – cũng là phần sáng nhất của sông Ngân.
Dải Ngân Hà vắt ngang trên bầu trời đêm (ảnh được chụp ở Paranal, Chile). Đốm sáng trong hình là Sao Mộc trong chòm sao Cung Thủ, cùng với đám mây Magellanic phía bên trái